Đắt hay rẻ – câu hỏi muôn thủa

Vì sao lại cùng là cân thịt hay mớ rau mà lại đắt rẻ khác nhau? Vì người kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao họ phải bỏ tiền cho công nghệ để làm sạch thật, lại truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng biết là thực sự nó sạch, lại bỏ tiền để bảo quản sản phẩm, lại bỏ tiền bao tiêu cho nông dân để người ta yên tâm sản xuất… rồi thuế má, truyền thông các kiểu… Bấy nhiêu thôi họ làm nông nghiệp vì cái tâm trên hết chứ mấy ai đã có lãi.

Đó là trích chia sẻ của ca sĩ Mỹ Linh trên mạng xã hội, đang gây “bão” những ngày gần đây. Nhưng thực tế, điều đó đúng với nhiều lĩnh vực, không chỉ là nông nghiệp, nhất là trong thời đại kỹ thuật số, công nghệ được áp dụng khắp mọi nơi.

Giá cao là tốt?

Trước hết, cần phải khẳng định, không phải cứ giá cao sẽ là tốt, không phải cứ giá thấp là kém. Nhưng khi nói thế nào là cao, thế nào là thấp, cần đánh giá tới những yếu tố nào cấu thành nên mức giá đó. Cùng một trái táo, nhưng táo Mỹ giá khác, táo Tàu giá khác, táo Việt Nam cũng khác luôn. Tại sao vậy? Các bà nội trợ có thể trả lời câu hỏi đó dễ dàng.

Cùng là ô tô cá nhân năm chỗ, tại sao Kia có một giá, Toyota có một giá, BMW lại giá khác, mà Audi lại thêm giá nữa. Với những sản phẩm như vậy, người tiêu dùng không chỉ thấy sự khác nhau về công nghệ, họ còn thấy sự khác nhau về việc chăm sóc khách hàng. Điều đó có thể tính vào yếu tố cấu thành chi phí doanh nghiệp hay không?

Với một doanh nghiệp, nhất là startup, dòng tiền luôn là một vấn đề quan trọng. Khi bắt đầu, doanh nhân có thể muốn tiết kiệm tối đa chi phí. Nhưng thế nào là tiết kiệm? Thế nào là tối đa?

Lấy một ví dụ. Tuần trước, hai khách hàng tại VietNAP gặp vấn đề về website. Một doanh nghiệp sử dụng Joomla làm nền tảng, một sử dụng WordPress. Điểm chung là họ không có nhân viên chuyên trách việc cập nhật mã nguồn. Kết quả là website có chứa lỗ hổng bảo mật từ mã nguồn cũ, và bị khai thác. Hệ thống chặn thư rác của VietNAP chặn được hàng ngàn thư spam, định gửi ra bên ngoài từ website này. Các vấn đề nhìn thấy ở đây:

  1. Doanh nghiệp cần có nhân viên IT biết về việc cập nhật này.
  2. Mã nguồn cần được cập nhật liên tục, kịp thời.
  3. Có các hệ thống bảo vệ, ứng biến kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Tất cả những điều đó đều liên quan đến chi phí. Một số trường hợp có thể xảy ra.

Tiết kiệm “tối đa” chi phí doanh nghiệp.

Họ thuê một hosting giá rẻ, không có đầy đủ các biện pháp bảo vệ, không có nhân viên IT chuyên trách. Nếu khi xảy ra sự cố, tên miền bị blacklist, IP server bị blacklist, từ đó, email bị coi là spam. Sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh của doanh nghiệp?

OK, chúng tôi sẽ có nhân viên IT.

Doanh nghiệp có thể thuê một hosting giá rẻ để tiết kiệm chi phí hàng tháng. Tuy nhiên, hosting giá rẻ thông thường không đủ các biện pháp phòng vệ, và chia sẻ tài nguyên hệ thống với rất nhiều account hosting khác. Nếu không được bảo vệ tốt, cho dù website của doanh nghiệp được cập nhật kịp thời, một account khác trên cùng server lại có thể bị khai thác, và spam, gây nên việc IP của server bị blacklist. Từ đó mà ảnh hưởng đến toàn bộ các accounts khác.

Thêm vào đó, tiền lương, chi phí cho nhân viên. Thời gian của doanh nhân cần sử dụng để quản trị thêm nhân sự, các chi phí phát sinh. Rất nhiều doanh nhân quên mất những khoảng thời gian này cũng là “tiền”.

Đó là trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ?

Đúng, và cũng chưa đủ. Nhà cung cấp dịch vụ hosting cần có những thiết bị, chính sách bảo vệ hệ thống. Nhưng điều này quay lại vấn đề về chi phí. Các thiết bị phần cứng, phần mềm, cũng như nhân lực đều làm tăng chi phí. Họ sẽ không còn ở trong mức “giá rẻ” bên trên nữa.

Đắt hay rẻ? Đó vẫn là câu hỏi muôn thủa cho bất kỳ mặt hàng. Trên phương diện người dùng, doanh nghiệp có thể “chịu” mức chi phí là bao nhiêu, để tìm được cho mình nhà cung cấp dịch vụ thích hợp trong khoảng đó? Các rủi ro có thể gặp phải là gì, họ có thể làm gì khác để ngăn chặn các rủi ro đó không? Khi họ đã xác định được mức chi phí doanh nghiệp có thể bỏ ra, và có kế hoạch sử dụng chính xác, họ có thể yên tâm với lựa chọn của mình, và tập trung vào phát triển kinh doanh, mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Đó là lý do tại sao VietNAP đầu tư vào lĩnh vực Managed Hosting, chứ không đi theo hướng kinh doanh giá rẻ.